M3GAN: Liệu có thay đổi xu hướng xem phim kinh dị?
M3GAN: Liệu có thay đổi xu hướng xem phim kinh dị?

M3GAN: Liệu có thay đổi xu hướng xem phim kinh dị?

Mở đầu cho mùa phim “ngoại” sau Tết Nguyên đán là “M3GAN” – bộ phim kinh dị – hài theo motif búp bê quen thuộc. Giành được 94% đánh giá cà chua tươi cũng như thu lời 12 triệu USD trong lúc “Avatar 2” vẫn đang “hoành hành”. Có gì đặc biệt trong tác phẩm này, dẫu cho motif không quá mới mẻ?

Theo đó, tác phẩm kể về Cady – cô bé chịu cảnh mất cả gia đình trong một tai nạn xe hơi để đến ở cùng với dì Gemma, cũng là một kỹ sư chế tạo Robot. Vốn thuộc tuýp độc lập, Gemma gặp khó khăn trong việc kết nối, do đó đã mang M3GAN – một con búp bê chạy bằng AI đang trong giai đoạn thử nghiệm về cho cháu mình.

Những tưởng các tương tác, sự gần gũi và các tiến bộ về machine learning sẽ giúp Gemma cũng như Cady có cuộc sống mới. Thế nhưng nhiều điều kỳ lạ liên tục diễn ra. Chúng đến từ đâu và thế lực nào thực hiện điều đó?

M3GAN: Liệu có thay đổi xu hướng xem phim kinh dị?
M3GAN: Liệu có thay đổi xu hướng xem phim kinh dị?

Nhân vật độc đáo

Có thể nói rằng đạo diễn Gerard Johnstone và biên kịch Akela Cooper đã rất biết cách tạo ra một tác phẩm mới mà không đi theo motif thường thấy. Nếu những series như “Annabelle”, “The Boy”… là những tác phẩm thách thức người xem với độ kinh dị hầu như “kinh hoàng”, thì bộ phim này không thuộc vào nhánh đó. Đi cùng nội dung đậm tính phê phán cũng như châm biếm xã hội, tiếng thét và những nỗi sợ trong “M3GAN” không hề mạnh bạo mà đầy ý nhị và nhiều tiếng cười.

Quả thật bộ phim không có những cú jumpscare lên đến thót tim, cũng không có sự kích thích adrenaline trong việc dõi theo quá trình chạy trốn những kẻ sát nhân… Tuy thế mạch phim vẫn tạo được sự gấp gáp ở những phân đoạn cần đến điều đó, ít nhiều trở thành “mỏ neo” giữ chân người xem. Khác với hình tượng búp bê thường thấy, M3GAN là người máy, do đó nó cũng sở hữu những tình thế khác khiến người xem liên tục đặt ra nghi vấn.

Rằng nếu những phim kinh dị truyền thống chỉ dựa vào tính tâm linh, thì một Robot AI như là M3GAN lại có mọi sự phân tích từ đó đoán định được các hành động ở trong nhân vật. Điều này một phần tạo được nét mới trong cách “gỡ nút” đường dây, tuy thế cũng dễ gây ra những sự hụt hẫng nếu không xử lý thật sự kỹ càng bởi ta hoàn toàn có thể hiểu được thông qua logic. Và ekip của đạo diễn Johnstone gặp phải cả hai điều đó, ở mặt bất lợi cũng như thuận lợi.

Về mặt bất lợi, bộ phim cũng vấp phải nhiều “hạt sạn” không dễ giải quyết. Theo đó quá trình “khởi động” của M3GAN một cách thất thường vẫn chưa được giải thích kỹ, thêm cùng với đó là đoạn cao trào cũng được diễn ra một cách chóng vánh và chưa đẩy được climax lên đến cần thiết. Việc phân tích các tình tiết chính đứng dưới góc độ của một sản phẩm thu thập dữ liệu như M3GAN cũng chưa hoàn toàn thiết phục, trong cách dự đoán cảm xúc cũng như hành động của con người.

Tuy thế về mặt thuận lợi, M3GAN có nhiều biểu cảm cũng như “nhân cách” “thực” hơn motif truyền thống. Câu hỏi liệu một AI có thể hiểu gì theo suốt người xem. Nó là tạo tác hoàn toàn có thật, do đó tính chất logic phải được nắm giữ một cách thật chặt. “M3GAN” có được điều đó, thêm vào đó biên kịch cũng tận dụng được những sự khó đoán trong các chuyển động cũng như kết cấu máy móc của con Robot, từ đó tạo ra cú twist có phần không ngờ.

M3GAN có nhiều biểu cảm cũng như “nhân cách” “thực” hơn motif truyền thống
M3GAN có nhiều biểu cảm cũng như “nhân cách” “thực” hơn motif truyền thống

Góc nhìn xã hội

Trong năm 2022, cuộc chiến giữa AI và các cá nhân hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo đã nóng hơn bao giờ hết. Khi Midjourney giành được giải thưởng ở một cuộc thi đồ họa có cả con người tham gia, dư luận trên toàn thế giới đã được một phen hoàn toàn chao đảo với ý nghĩ rằng rồi đây chính bản thân mình sẽ bị thay thế. Điều này không phải là mới trong các tác phẩm sci-fic, thế nhưng đứng dưới mức độ “cảnh báo”, thì “M3GAN” đã lột tả được tình trạng rất đáng báo động.

Xoáy sâu vào một gia đình hoàn toàn điển hình, ở cảnh đầu phim ta thấy Cady hoàn toàn phụ thuộc vào chiếc Ipad. Điều này cho thấy một thế hệ mới đã bị phụ thuộc vào thiết bị này, và là nền tảng cũng như bệ phóng cho sự chiếm hữu cũng như lạm dụng của các phát minh tiếp theo. Về phía những người sáng tạo, việc Gemma có tài năng nhưng không kiểm soát đoạn code của mình đã vô tình cho M3GAN nhiều quyền năng hơn trong việc quản lý.

Có thể nói, con người chưa bao giờ là đối thủ của AI cũng như Robot dưới bất kỳ phương diện nào. Khi M3GAN chiếm được vị thế độc tôn, Cady cùng Gemma cũng dần hình thành những nứt vỡ nhỏ khi cô bé không phân biệt được giữa ảo và thực, còn phía người lớn quá bận rộn để khắc phục. Đây là phông nền hoàn toàn quen thuộc của một đời sống hiện đại, từ đó cảnh báo cả bậc cha mẹ cho con tiếp xúc với những món đồ công nghệ khi còn quá sớm, cũng như các nhà phát triển nếu không dừng đúng lúc trong các phát triển khoa học công nghệ của bản thân mình.

Ngoài điều kể trên thì văn hóa doanh nghiệp, bi kịch gia đình, vấn nạn bạo lực ở tuổi học đường, mục tiêu chăm chăm kiếm tiền của giới nhà giàu… cũng được gài cắm một cách tinh tế. Biên kịch Akela Cooper cho thấy được sự chắc tay, điều mà ngay cả bộ phim cô làm cùng hãng Blumhouse là “Malignant” trước đó tuy rất đáng sợ cũng không ra được độ vừa phải như “M3GAN”.

Về tính gây cười, “M3GAN” cài cắm xuyên suốt bộ phim những tình tiết nhỏ, từ đó xoa dịu người xem và cũng phần nào tạo tính cách riêng cho nhân vật chính. Ở M3GAN, chuyển động cũng như động cơ hành động không được lý giải. Tuy là Robot tích hợp AI, nhưng dường như tâm lý của sinh vật này không thể giải đáp, dẫn đến những chuyện “dở khóc dở cười” như khi nó hát “Titanium” như bài hát ru dành cho Cady. Điều này một cách vô hình cũng tạo ra sự nghi ngại cho các khán giả, rằng liệu biên kịch không thể giải quyết nút thắt quan trọng ở các đoạn chính, hay bởi AI quá khó lý giải?

“M3GAN” cài cắm xuyên suốt bộ phim những tình tiết nhỏ, từ đó xoa dịu người xem và cũng phần nào tạo tính cách riêng cho nhân vật chính.
“M3GAN” cài cắm xuyên suốt bộ phim những tình tiết nhỏ, từ đó xoa dịu người xem và cũng phần nào tạo tính cách riêng cho nhân vật chính.

Nhìn rộng hơn, thành công của “M3GAN” gần đây cũng như “NOPE” của Jordan Peele trước đó ít nhiều báo hiệu một xu hướng mới của dòng phim kinh dị. Khi yếu tố tâm linh, các cảnh jumpscare… đã quá nhàm chán, người xem giờ đây mong muốn có một tác phẩm thật sự sâu sắc, gợi nhiều suy tư, từ đó phản chiếu góc nhìn ra cả xã hội thay vì đơn thuần chỉ mang tính chất hư cấu hay là giải trí.

Xu hướng đi này liệu có thành công ở trong thì tương lai, khi ngay cả Viện Hàn Lâm và các giải thưởng hàng lâm hàng năm vẫn còn xem nhẹ chính thể loại này? Rất có thể khi thêm vào nữa yếu tố thời sự, các tác phẩm này sẽ được nhìn nhận dưới góc độ khác, có sự xoay chuyển như các tác phẩm hậu tận thế và sci-fic đã từng làm được.

Có sự diễn xuất của những minh tinh vô cùng nổi tiếng như Allison Williams (phim “Get Out”), Ronny Chieng (phim “Shang-Chi and the Legend of the Ten Rings”) hay Violet McGraw (phim “The Haunting of Hill House”)… cùng kịch bản vô cùng mới lạ, “M3GAN” là một tác phẩm vô cùng đáng xem để suy ngẫm về sự độc hại của công nghệ không kiểm soát, cũng như mối quan hệ gia đình trước cạm bẫy tự động ngày càng phát triển. Những cảnh cuối phim cũng đã mở ra những suy đoán mới, báo hiệu một series phim có phần khác lạ trong tương lai gần về AI, Robot của hãng Blumhouse và các đạo diễn danh tiếng.