Trấn Thành - Khả Như trong Nhà bà Nữ kể câu chuyện hôn nhân nhiều vấn đề.
Trấn Thành - Khả Như trong Nhà bà Nữ kể câu chuyện hôn nhân nhiều vấn đề.

‘Nhà bà Nữ’ – Trấn Thành tiếp tục khai thác về mâu thuẫn thế hệ

Tác phẩm Nhà bà Nữ trở lại của Trấn Thành trên đường đua phim Tết tạo được sự đồng cảm khi chạm đến nỗi niềm nhiều thế hệ và xoáy sâu vào yếu tố nữ quyền độc hại.

Nhà bà Nữ có nội dung hấp dẫn

Câu chuyện Nhà bà Nữ xoay quanh đại gia đình ba thế hệ với trung tâm là Ngọc Nữ (Lê Giang) – người lo toan nhiều nhất trong gia đình. Bà Nữ sống cùng mẹ Ngọc Ngà (NSND Ngọc Giàu), hai con gái Ngọc Như (Khả Như), Ngọc Nhi (Uyển Ân) và con rể Phú Nhuận (Trấn Thành). Đây là hình mẫu gia đình lao động điển hình, sinh sống bằng nghề bán bánh canh cua gia truyền. Tuy nhiên, quán ăn càng đắt khách, rạn nứt trong mối quan hệ giữa các thành viên càng hiện rõ.

Uyển Ân - Song Luân thể hiện chuyện tình cuồng nhiệt, vội vã và nông nổi của một bộ phận giới trẻ trong Nhà bà Nữ
Uyển Ân – Song Luân thể hiện chuyện tình cuồng nhiệt, vội vã và nông nổi của một bộ phận giới trẻ trong Nhà bà Nữ

Nhà bà Nữ khai thác nhiều hình thái mâu thuẫn, rõ nét nhất là giữa mẹ và con gái trong văn hóa Á Đông. Đây cũng là chủ đề nổi bật của điện ảnh thế giới năm qua, điển hình là Turning Red và Everything Everywhere All at Once. Tuy nhiên, trong khi đa số tác phẩm Hollywood chọn đào sâu vào câu chuyện của một trong hai thế hệ, Nhà bà Nữ lại phát triển theo cả hai góc nhìn của mẹ và con gái.

Trong sinh hoạt thường nhật, bà Nữ quản lý, giám sát Ngọc Nhi một cách nghiêm khắc, thậm chí có phần cực đoan. Bà không cho con gái đi chơi quá 10h tối, bắt con gái mặc đồ kín đáo và nắm giữ cả tài khoản mạng xã hội của con. Với định hướng tương lai, bà vẽ ra cho cô gái trẻ hai con đường là tiếp quản quán bánh canh hoặc theo học tài chính ngân hàng. Tuy nhiên, Nhi chỉ mong muốn được làm việc trong môi trường mỹ thuật.

Điểm mấu chốt đẩy mâu thuẫn lên cao trào là câu chuyện tình yêu của Nhi. Ngay từ đầu, bà Nữ thể hiện rõ sự cay nghiệt với đàn ông đến mức không cho con gái dán hình thần tượng nam trong phòng. Việc có người nhìn trộm, cưa cẩm Nhi cũng khiến bà không hài lòng. Mối tình giữa Nhi và John (Song Luân) bị bà ra sức cấm cản, khiến cô gái bỏ nhà ra đi.

Ở phần đầu, phim đơn thuần dẫn dắt người xem theo câu chuyện người mẹ mượn danh nghĩa tình thương để kiểm soát con cái. Tuy nhiên càng về sau, khán giả càng cảm thông với những hành động của bà Nữ khi quá khứ sóng gió của nhân vật này được tiết lộ. Đây cũng là nguyên do khiến vòng lặp của nỗi đau thế hệ trong gia đình bà Nữ mãi không thể dừng.

Dàn diễn viên thực lực

Lê Giang vốn quen thuộc với khán giả bởi những vai diễn ồn ào cùng chất giọng sang sảng. Với nhân vật bà Nữ, nữ diễn viên tạo nhiều bất ngờ khi tiết chế vừa phải cách nói thoại, tạo sự nhẹ nhàng trong lối trình diễn và dung hòa giữa phong cách hài đặc trưng cùng sự điềm tĩnh trong cách sử dụng đài từ.

Lê Giang trong Nhà bà Nữ thành công khắc họa hình ảnh người vợ mang nỗi đau bị ruồng bỏ, người mẹ khắc nghiệt với con cái.
Lê Giang trong Nhà bà Nữ thành công khắc họa hình ảnh người vợ mang nỗi đau bị ruồng bỏ, người mẹ khắc nghiệt với con cái.

Song hành Lê Giang là nữ diễn viên trẻ Uyển Ân trong vai Ngọc Nhi. Ở góc nhìn của Ngọc Nhi, cô nêu quan điểm của thế hệ hiện đại, dễ tạo sự đồng cảm của khán giả trẻ. Nhi là hình mẫu dễ bắt gặp trong xã hội hiện nay: khao khát được sống là chính mình, theo đuổi ước mơ nhưng vẫn bị kìm hãm bởi lề thói gia đình.

Kịch bản phim tạo cho nhân vật này cơ hội được thỏa mãn ước mơ. Bỏ nhà đi, được tháo cũi sổ lồng, cô hạnh phúc tận hưởng cuộc sống mới với John. Nhưng phim cũng khiến Nhi và thế hệ trẻ vỡ mộng. Không còn gia đình bảo bọc, chở che, cô gái trẻ phải đối mặt những vấn đề to lớn liên quan đến tiền bạc, công việc và hôn nhân. Từ đây, tác phẩm cho thấy quan điểm của nhân vật này không sai nhưng chưa đủ. Sự dễ dãi trong suy nghĩ và thiếu kinh nghiệm của tuổi trẻ trong cách nhìn nhận vấn đề là điều Nhà bà Nữ đề cập đến trong tuyến truyện của Ngọc Nhi.

Uyển Ân có sự tiến bộ hơn so với nhiều dự án trước đây. Trong bộ phim điện ảnh đầu tay, cô thể hiện nhân vật một cách tròn trịa, an toàn. Dù còn lép vế so với dàn diễn viên nhiều kinh nghiệm, Uyển Ân cho thấy triển vọng của một lớp diễn viên kế cận.

Mâu thuẫn liên thế hệ, sự thiếu cảm thông của thế hệ trước và sự bồng bột của thế hệ sau là những câu chuyện mang tính phổ quát cao trong xã hội Việt Nam, dễ gắn kết nhiều khán giả. Bản thân Trấn Thành cũng chia sẻ anh lấy cảm hứng từ câu chuyện gia đình của một ngôi sao giải trí để làm nên kịch bản phim.

Song hành với câu chuyện mâu thuẫn thế hệ gia đình, các vấn đề trong hôn nhân cũng được phim khai thác một cách thực tế, thông qua cặp nhân vật Ngọc Như – Phú Nhuận. Rạn nứt giữa đôi vợ chồng này sớm được báo hiệu từ những phút đầu phim, bởi lối xưng hô “mày – tao” giữa đôi bên; cách hành xử, nói năng thô bạo của Ngọc Như dành cho chồng; thái độ nhún nhường quá hóa nhẫn nhịn của Phú Nhuận trước gia đình vợ.

Trấn Thành - Khả Như trong Nhà bà Nữ kể câu chuyện hôn nhân nhiều vấn đề.
Trấn Thành – Khả Như trong Nhà bà Nữ kể câu chuyện hôn nhân nhiều vấn đề.

Người ngoài trông vào chỉ thấy Ngọc Như làm ra tiền, được đà lên mặt với chồng, trong khi Phú Nhuận không kiếm được, đành an phận như cu li của vợ. Còn ở vị thế người trong cuộc, đôi bên đều có những nỗi niềm khó tỏ.

Trấn Thành – diễn viên kiêm đạo diễn

Với Nhà bà Nữ, Trấn Thành đóng nhiều vai trò, trong đó nổi bật nhất là đạo diễn và diễn viên. Ở khía cạnh diễn viên, anh thể hiện vai Phú Nhuận với thân phận ở rể không được các thành viên trong gia đình tôn trọng. Nam diễn viên kiệm lời hơn, tiết chế trong cách diễn, dành không gian tôn những bạn đồng diễn.

Trong vai trò đạo diễn, Trấn Thành chứng minh sự chỉn chu, nghiêm túc so với Bố già. Anh giữ đúng lời hứa Nhà bà Nữ là một bộ phim tâm lý hơn là một phim hài. Những tình tiết hài hước mang đậm phong cách Trấn Thành được thể hiện vừa phải, không lố lăng nhưng vẫn tạo được hiệu quả. Anh sử dụng nhiều thời lượng để bóc tách tâm lý các nhân vật.

Dù Nhà bà Nữ có nhiều tuyến truyện, cách kể chuyện của Trấn Thành vẫn đan xen các câu chuyện khá hài hòa. Kết hợp lối dựng phim nhanh, chặt chẽ, Trấn Thành giữ nhịp phim của Nhà bà Nữ ở một cường độ nhất định. Ở một phân đoạn thể hiện sự cùng cực của cả ba nhân vật nữ, anh cho thấy sự dụng công về góc máy và sức sáng tạo trong tư duy làm phim.

Tuy nhiên, Nhà bà Nữ vẫn còn vài tình huống, nhân vật không cần thiết. Nhân vật Lan (bạn của Nhi) đơn thuần chỉ mang vai trò khiến tình huống xảy ra một cách khá khiên cưỡng, không thúc đẩy câu chuyện phát triển về phía trước. Trong khi đó, mối quan hệ giữa Nhi và John xây dựng khá vội vàng, khiến khán giả không kịp cảm nhận tình cảm của hai nhân vật. Ngoài ra, việc để nhân vật độc thoại, nêu lên suy nghĩ quá nhiều khiến mạch phim đôi lúc lê thê, nặng tính dùng lời giải thích và vụng về, mất đi sự tinh tế.