Phim điện ảnh Thanh Sói của Ngô Thanh Vân là bộ phim đúng chất 18+ nhất của điện ảnh Việt từ trước đến nay, ở nhiều khía cạnh: sắc dục, hận thù, bạo lực, ngôn từ, cảnh hành động hạng nặng và sự tăm tối trong tâm lý nhân vật.
Tiền truyện đúng nghĩa của ‘Hai Phượng’, đậm chất nữ quyền
Hành trình ra rạp của phim điện ảnh Thanh Sói rất nhọc nhằn, trải qua nhiều lần chỉnh sửa và thẩm định, từng suýt bị khai tử.
Theo đạo diễn Ngô Thanh Vân, bản dựng chị ưng ý nhất dài đến… 3 tiếng đồng hồ (gần bằng bom tấn Avatar: The Way of Water). Trong khi đó, bản chính thức ra rạp chỉ dài 109 phút, chưa đầy 2 tiếng.
Để đưa được Thanh Sói ra rạp, cần kể đến việc Ngô Thanh Vân đã là một nhà sản xuất phim uy tín qua Hai Phượng – một phim tốt về giá trị sản xuất (production value), nội dung, thông điệp, nhân vật chính, cộng với doanh thu lập kỷ lục cho điện ảnh Việt (hơn 200 tỉ đồng).
Tôn trọng luật chơi của điện ảnh Việt, Ngô Thanh Vân từng thừa nhận có những thứ nên bảo vệ và có những thứ nên thỏa hiệp để một bộ phim có thể ra rạp. Mặc dù vậy, cô vẫn luôn là một nhà làm phim tự đẩy mình đến những ranh giới xa hơn về độ táo bạo.
Phim điện ảnh Thanh Sói là một phim như thế. Đây là tiền truyện đúng nghĩa của Hai Phượng, ở chỗ: giả sử phim điện ảnh Thanh Sói ra đời trước Hai Phượng thì người ta vẫn thấy hợp lý.
Câu hỏi đặt ra là: Điều gì đã khiến cô bé Bi nghèo khổ, bị cưỡng hiếp và sống dưới đáy xã hội trở thành nữ đại ca giang hồ Thanh Sói độc ác trong Hai Phượng? Thanh Sói cũng đã trả lời được, chi tiết đến cả việc vì sao Bi (Đồng Ánh Quỳnh) đổi tên thành Thanh – trùng tên nhân vật do Tóc Tiên đảm nhận.
Kể câu chuyện của phụ nữ, khắc họa sự thù hận của phụ nữ khi phải hứng chịu bất công và mang tinh thần “phụ nữ vì phụ nữ”, có thể gọi phim điện ảnh Thanh Sói là một phim nữ quyền.
Báo thù, bạo liệt và rất 18+
Chất 18+ ở phim điện ảnh Thanh Sói được thể hiện về mọi mặt. Đầu tiên là số phận của Bi, Thanh và Hồng (Rima Thanh Vy). Họ là những cô gái cùng khổ, bị cưỡng hiếp hoặc tự bán mình làm gái điếm đứng đường. Họ mất người thân, tổn thương sâu sắc và hận thù những kẻ buôn bán phụ nữ.
Thứ hai, là về tuyến phản diện. Hải “chó điên” (Thuận Nguyễn) là tên giang hồ không từ thủ đoạn, coi thân thể phụ nữ như trò vui. Hội đàn em cũng rất máu lạnh, tàn nhẫn, trừ Long (Song Luân) có tâm lý phức tạp hơn.
Thứ ba, về ngôn từ. Cả tuyến phản diện lẫn chính diện (tạm thời) đều nói tục, chửi thề dày đặc.
Thứ tư, về tiến trình “hắc hóa” của nhân vật. Là một phim “hắc hóa”, nhằm lý giải sự tha hóa, phim điện ảnh Thanh Sói không thể có những nhân vật người mẹ thương con đầy nhân văn như trong Hai Phượng.
Phim điện ảnh Thanh Sói là bộ phim nơi cái ác đánh nhau với cái ác, nơi kẻ tha hóa vùng vẫy tuyệt vọng để thoát khỏi sự tha hóa, hết lần này đến lần khác bị cuộc đời vùi dập.
Thứ năm, là mức độ nặng đô của những cảnh hành động và sắc dục. Phim điện ảnh Thanh Sói khắc họa rõ cảnh ăn chơi, thác loạn của giới giang hồ, cũng như những cuộc thanh trừng “nóng rẫy” bằng súng, đao, kiếm và những màn kết liễu trực diện.
Bên cạnh đó, Thanh Sói là một phim báo thù đúng nghĩa. Dòng phim báo thù rất thịnh hành trong điện ảnh thế giới và có nhiều tác phẩm ăn khách. Tại Việt Nam, dòng phim còn mới mẻ, mạo hiểm vì chạm đến những góc tối của xã hội và tâm lý nhân vật.
Ngô Thanh Vân nói với Tuổi Trẻ Online về vấn đề “tăm tối” của Thanh Sói: “Đó là hành trình bước vào bóng tối của một nhân vật. Khi làm phim, tôi cũng muốn có ánh sáng để khán giả đỡ cảm thấy nặng nề.
Nhưng lúc đầu tôi đã tuyên bố đây là một bộ phim hành động tâm lý rất nặng. Khi quyết định làm về nhân vật Thanh Sói – người đã gây chấn động ở Hai Phượng – thì phải giúp khán giả hiểu lý do tại sao. Tôi không thể kể một câu chuyện màu hồng được”.
Còn với Thuận Nguyễn, người đóng vai kẻ phản diện máu lạnh, anh cho rằng Thanh Sói khắc họa cái ác để người xem suy ngẫm và tránh xa. Nói với Tuổi Trẻ Online, anh thừa nhận nhân vật của mình là kẻ đáng căm ghét. Nếu khán giả ghét Hải “chó điên” thì anh đã thành công.