Phim The Flash – siêu anh hùng nhanh nhất vũ trụ – phải đấu tranh giữa việc cứu mẹ hay cứu thế giới, trong bom tấn cùng tên.
Tác phẩm ra rạp Việt từ ngày 16/6, xoay quanh chuyện đời của Barry Allen (Ezra Miller) – còn gọi là The Flash, siêu anh hùng nhanh nhất vũ trụ DC Comics (hơn tốc độ ánh sáng). Dù đã trở thành người hùng cứu thế giới, Barry vẫn sống trong bi kịch gia đình: mẹ anh qua đời không rõ nguyên nhân, bố bị giam vì tình nghi sát hại vợ.
Phim The Flash – bi kịch của siêu anh hùng
Một lần, Barry phát hiện Speed Force – siêu năng lực của bản thân – có thể giúp anh du hành thời gian, trở về thời điểm mẹ bị sát hại để ngăn chặn biến cố. Barry cứu mẹ thành công, song sự kiện này dẫn đến loạt thay đổi theo hiệu ứng cánh bướm, khiến anh bị mắc kẹt trong quá khứ với một phiên bản khác của chính mình.
Ở dòng thời gian này, Trái đất đối mặt nguy cơ hủy diệt từ tướng Zod (kẻ thù của Superman trong Man of Steel). Barry đi tìm Batman (Michael Keaton đóng), cùng đi cứu một nhân vật, người sau đó họ phát hiện là Supergirl (Sasha Calle), để ngăn thảm kịch.
Tác phẩm có kịch bản tròn trịa, xoáy sâu vào chuyện đời của Barry Allen. Phim The Flash đặt ra vấn đề: nếu có thể quay về quá khứ, bạn sẽ làm gì. Với siêu anh hùng The Flash, anh không mong gì hơn ngoài cứu mẹ.
Phim The Flash dành một phần ba thời lượng đầu để giới thiệu hoàn cảnh của Barry. Anh vốn có thời niên thiếu êm ấm bên gia đình. Sau cái chết của mẹ, Barry sống cô đơn khi cha anh cũng bị đẩy vào vòng tù tội.
Khát khao hạnh phúc trong Barry mạnh đến nỗi, dù Batman cảnh báo đa vũ trụ có thể bị đảo lộn, anh vẫn bất chấp sử dụng quyền năng để một lần nhìn lại nụ cười của mẹ. Khoảnh khắc Barry trong trang phục của The Flash, mắt rưng rưng nhìn về căn nhà cũ, gây xúc động cho người xem.
Diễn xuất đa dạng của Ezra Miller làm nên sức hút chính của phim. Ở thế giới hiện tại, nhân vật Barry sống trầm lặng sau nhiều biến cố. Khi lạc sang dòng thời gian mới, phiên bản năm 18 tuổi của anh (cũng do Miller đóng) hồn nhiên, có phần vô tâm. Ở những phân đoạn hai Barry cùng xuất hiện, lối diễn của Miller biến hóa về biểu cảm: khi phấn khích vì phát hiện siêu năng lực, lúc hoang mang trước mối nguy mới của thế giới.
Sâu xa hơn, sự gặp gỡ của hai The Flash là ẩn dụ cho cuộc độc thoại nội tâm, nhìn về quá khứ của siêu anh hùng này. Trong một phân cảnh, Barry nổi giận vì thấy phiên bản 18 tuổi vứt bỏ một kỷ vật mẹ tặng. Phim The Flash từ đó gửi thông điệp hãy trân trọng hạnh phúc trước khi quá muộn.
Về cuối, tác phẩm nhuốm màu bi kịch. Flash được Batman giải thích một số sự kiện – vốn là giao điểm giữa các dòng thời gian – bắt buộc phải xảy ra, trong đó có việc thế giới bị diệt vong do Zod gây nên. Từ đây, Barry đứng giữa lựa chọn: tiếp tục cứu mẹ hoặc xóa dòng thời gian mới, trả lại mọi thứ như cũ để cứu nhân loại.
Ngoài Ezra Miller, sự xuất hiện ở nhiều ngôi sao khách mời tạo điểm nhấn. Michael Keaton – từng đóng nhiều phim về Người Dơi – vào vai Batman ở dòng thời gian mới. Qua bàn tay dàn dựng của Andy Muschietti (đạo diễn phim kinh dị It 1, 2), Keaton có nhiều khoảnh khắc tỏa sáng khi tả xung hữu đột giữa sào huyệt kẻ thù, gợi nhớ hai tác phẩm ông từng đảm nhận – Batman (1989) và Batman Returns (1992). Nicolas Cage cũng góp mặt với vai Superman ở một vũ trụ khác.
Giới phê bình điện ảnh cho rằng điểm yếu của tác phẩm chủ yếu nằm ở kỹ xảo hình ảnh (CGI). Chẳng hạn, đoạn đầu khi Flash giải cứu các em bé sơ sinh ở bệnh viện, khâu đồ họa kém chân thật, lộ nhiều lỗi. Cây bút Matt Zoller Seitz của trang RogerEbert cho rằng trận đấu cao trào cuối phim The Flash như những khoảnh khắc “được cắt ra từ các game đầu thập niên 2000”. Trên chuyên trang Rotten Tomatoes, phim nhận 66% điểm từ gần 300 bài viết của giới chuyên môn và 86% từ khán giả.
Phim The Flash đang được chiếu tại các rạp trên toàn quốc!