Truy vết người thân bị mất tích chỉ dựa vào internet cùng cách kể thông qua những màn hình điện tử không còn mới lạ trong những năm gần đây. Liệu “Missing” (Mất tích) có tạo nên sức hút mạnh mẽ?
Mất tích (Missing) là bộ phim được nhào nặn bởi đạo diễn kiêm biên kịch Nick Johnson và Will Merrick, người từng thực hiện Truy tìm tung tích ảo (Searching).Nếu Searching kể về một người cha tìm đứa con gái mất tích dựa hoàn toàn vào các màn hình điện tử (laptop, điện thoại, camera giám sát), thì Mất tích là câu chuyện cô con gái tìm người mẹ mất tích cùng với concept và cách kể tương tự. Việc khai thác những chất liệu đã quá thành công có đủ để Mất tích vượt qua cái bóng của bộ phim tiền nhiệm?
Missing: Cách Gen Z dùng công nghệ phục vụ cuộc sống
Bộ đôi đạo diễn kiêm biên kịch Nick Johnson và Will Merrick đã làm Mất tích trở nên thú vị hơn theo nhiều cách. Nhân vật trung tâm là June (Storm Reid), một cô bé học sinh 18 tuổi, đại diện cho thế hệ dành phần lớn cuộc đời để tương tác với các màn hình điện tử. Ngay từ những phút đầu phim, khán giả có thể thấy June trải qua một ngày như thế nào, cô lướt, cô gõ, cô nhấp chuột, cô bật cam máy tính suốt. Cách cô bé tuổi teen này thao tác với hàng chục tab, màn hình cùng một lúc giống như những nhạc trưởng chỉ huy dàn nhạc giao hưởng. Cảm giác như chỉ cần FaceTime, Venmo, Safari là June có thể làm tất cả mọi thứ. Đạo diễn đã cho khán giả thấy Mất tích có một nhân vật chính thông minh, làm chủ công nghệ, làm chủ cuộc chơi.
Với nhân vật chính thành thạo công nghiệp, nhịp phim Mất tích được tăng tốc đáng kể theo chuỗi thao tác liên tục như rà mật khẩu, xác định vị trí, tra thông tin cá nhân. Những công nghệ mới như Google Streetviews (chế độ xem hình ảnh đường phố), ứng dụng hẹn hò, ứng dụng thuê người giúp việc được đưa vào và khai thác hiệu quả, giúp quá trình điều tra cuốn hút hơn so với Searching.
Storm Reid đã thật sự tỏa sáng trong vai June. Cô bé không chỉ thể hiện được sự nhanh trí trong hành trình truy vết, nào bẻ khoá, nào thuê người hỗ trợ để điều phối từ xa, mà còn bật lên được nét trầm tư đơn độc. Cái lia đảo mắt quan sát người khác, nét mặt, sự căng thẳng bàng hoàng tăng tiến dần, những biểu cảm đều rất nhỏ, nhưng tinh tế và hiệu quả.
Sự nâng cấp về ngôn ngữ điện ảnh và cài cắm tình tiết trong “Missing”
Ngôn ngữ điện ảnh của Mất tích cũng được nâng cấp lên một bậc so với Truy tìm tung tích ảo. Toàn bộ bối cảnh, không gian phim đều chỉ hiện trên màn hình máy tính, với những những khung chat, khung quay video call, những đoạn phim quay từ camera giám sát, những trang web mạng xã hội … Mỗi cú nhấp chuột, mỗi thao tác gõ đều thể hiện cảm xúc.
Những nhà làm phim Mất tích là bậc thầy trong việc cài cắm tình tiết. Từng chi tiết được sắp xếp để hé lộ tài tình, như mồi dụ khán giả lạc vào mê cung ngoằn ngoèo. Bộ phim đánh lạc hướng liên tục, nhưng không hề cung cấp thông tin thừa. Khi từng lớp màn bí ẩn được bóc ra, khi các mảnh ghép được đặt đúng vị trí, khán giả phải gật gù vì nó chẳng thể hợp lý hơn. Tất cả các chi tiết dù nhỏ nhất đều đóng góp vào bức tranh tổng.
Nhiều điểm sáng thú vị nhưng khó tạo thành hiện tượng một lần nữa
Tiếp tục phát huy được yếu tố thành công cốt lõi của Searching, Missinggiúp khán giả nhận ra tầm quan trọng của sự gắn kết trong gia đình. Dù là một đứa trẻ ngỗ nghịch không nghe lời nhưng trên hành trình tìm kiếm June chưa bao giờ từ bỏ quyết tâm và niềm tin vào mẹ mình. Nỗi niềm, sự ân hận của người con khi đã không trân trọng tình yêu thương của mẹ được biểu đạt khéo léo, tăng tiến dần đủ để tạo cảm xúc cho khán giả. Khi khám phá ra những bí mật động trời, June cùng với khán giả thấu hiểu hơn những giá trị gia đình và tình yêu thương mà mẹ đã dành cho cô.
Nhân vật đồng hành cùng June là ông chú ngoại quốc Javier (Joaquim de Almeida) cũng là một điểm sáng dễ thương khi đem tới sự ấm áp và hài hước giúp cân bằng cho một mạch phim đầy kịch tính hồi hộp.
Mất tích sử dụng nhiều chi tiết làm gợi nhớ đến Searching, như mở đầu với đoạn video cũ của gia đình, hay cách các nhân vật nhắn tin với nhau. Sự xuất hiện của những thám tử Tiktok, cảnh sát Twitter nhiệt huyết sẵn sàng vào cuộc mỗi khi có tin tức vụ án, cũng như đưa ra hàng tá lập luận phân tích để kết tội bất kì họ muốn giúp bộ phim trở nên chân thực và mang tính thời đại hơn.
Điểm thú vị nhất phải kể đến là việc nhân vật học những cách thức điều tra từ một series tội phạm trên Netflix tên Unfiction. Và sau này, chính câu chuyện của June đã trở thành một tập của Unfiction, như một vòng lặp tuần hoàn, chúng ta học và bị ảnh hưởng bởi những bộ phim, và những bộ phim dựa vào những điều có thật trong cuộc sống.
Chất liệu quen thuộc nhưng vẫn đủ để cho những nhà làm phim Missing làm ra được một món ăn ngon. Có thể nói, Missing là người kế nhiệm xứng đáng cho Searching, nhưng sẽ khó lòng tạo thành hiện tượng, tạo lập cú hít như bộ phim đầu tiên đã làm được.