‘The Invisible Man’: Nỗi sợ vô hình

Tác phẩm kinh dị mở đầu với cảnh cô gái Cecilia Kass (Elisabeth Moss) hốt hoảng, tìm cách trốn khỏi nhà, khi người chồng Adrian (Oliver Jackson-Cohen) vẫn say ngủ. Cô sống nhờ nhà người bạn – cảnh sát James (Aldis Hodge), một ngày bất ngờ hay tin Adrian đã tự sát, để lại cho vợ gia tài lớn. Cô nghi ngờ cái chết có uẩn khúc và dần cảm thấy luôn có người theo dõi mình. Càng cố gắng chứng minh điều đó với những người xung quanh, Cecilia càng khiến họ nghĩ cô gặp vấn đề thần kinh.

Phim ban đầu được phát triển như một phần của Vũ trụ Điện ảnh Quái vật. Nhưng sau khi phimThe Mummycó Tom Cruise đóng chính thất bại, hãng Universal gác lại kế hoạch, biếnThe Invisible Manthành phim riêng. Kịch bản chỉ lấy cảm hứng từ tiểu thuyết lừng danhThe Invisible Mancủa H. G. Wells, thay đổi hầu hết cốt truyện và bối cảnh.

Đạo diễn Leigh Whannell đứng trước thách thức làm mới câu chuyện khá cũ. Ở năm 1987, khi H. G. Wells viết tiểu thuyết, đề tài vô hình còn tương đối mới mẻ với công chúng, nhưng nay được khai thác nhiều trên màn ảnh, nhất là các phim siêu anh hùng. Để không đi vào lối mòn tình tiết, Whannell quyết định kể câu chuyện từ góc nhìn của Cecilia – một người lần đầu đối mặt với kẻ vô hình.

Leigh Whannell là cộng sự nhiều năm của “ông hoàng kinh dị” James Wan. Một điểm mạnh mà anh kế thừa từ nhà làm phim gốc Á là cách xây dựng nỗi sợ từ bối cảnh và tâm lý nhân vật, chứ không lạm dụng jumpscare (chèn hình ảnh hay âm thanh gây giật mình).

Dù đường dây chính lộ từ trailer, đạo diễn linh hoạt trong cách kể để duy trí sức hút. Ở giai đoạn Cecilia bán tín bán nghi sự việc, tác phẩm tạo nỗi sợ từ sự bất định. Ngôi biệt thự của Adrian tạo vẻ rùng rợn mơ hồ với nhiều góc và không khí ảm đạm. Thiết kế trong nhà của James cùng cách dùng ánh sáng giúp phủ lên khung hình sự bí hiểm, khó đoán diễn biến.

Nhà làm phim nhiều lần khai thác các cảnh nội với Cecilia một mình giữa không gian trống. Ngoài nhân vật chính, khán giả dễ bị hút vào những đồ vật xung quanh để phát hiện những điều bất thường. Cách dùng máy quay được thay đổi linh hoạt, từ góc độ trung lập (tức đơn thuần ghi lại sự việc) tới những chuyển động khá lạ so với quy tắc thông thường – tạo cảm giác người xem đang nhìn từ mắt của chính kẻ vô hình. Không khí ngột ngạt được thiết lập tốt do những thủ pháp về góc máy và vị trí nhân vật.

Bên dưới yếu tố kinh dị hay khoa học viễn tưởng, sự bạo hành, khống chế cảm xúc là chủ đề chính của phim. Nửa đầu phim giống cuộc vờn mồi, trong đó kẻ ác nắm thế chủ động. Khi câu chuyện đã khá rõ, đạo diễn Whannell bất ngờ đẩy cao nhịp độ bằng loạt cảnh ghê rợn. Lúc này, sự thông minh của nhân vật chính giúp nâng tầm tác phẩm khỏi dạng phim kinh dị “rượt đuổi” thông thường. Nửa sau phim giống một cuộc đấu trí giữa Cecilia và kẻ thù.

Những khoảnh khắc ở bờ vực sụp đổ tinh thần giúp nhân vật trở nên đời thường, cũng là nút thắt báo hiệu sự thay đổi trong hành động của cô: mạo hiểm và cực đoan hơn. Cách phản ứng của Cecilia trước sự việc có sự hoang mang, sai lầm để khán giả đồng cảm, nhưng cũng đủ nhanh trí để không rơi vào mẫu nhân vật chính “vô dụng” trong phim kinh dị.